Kiến thức chung
Đang cập nhật
26/10/2023
1698 lượt xem
[Giải đáp] Quy trình xây dựng 1 căn nhà gồm những công đoạn nào?

Để có sự chuẩn bị chu đáo trước khi xây nhà thì việc nắm rõ quy trình xây dựng 1 căn nhà là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, phần lớn các chủ nhà hiện nay không có nhiều kiến thức trong lĩnh vực xây dựng nên thường gặp khó khăn, không biết bắt đầu từ đâu. Dưới đây là các bước xây dựng nhà đầy đủ và chi tiết nhất.

1. Giai đoạn chuẩn bị

Trong giai đoạn này, chủ nhà cần thực hiện các công việc sau:

1.1. Tìm mua đất xây nhà & xem xét các yếu tố phong thuỷ

Khi tìm mua đất để xây nhà, yếu tố đầu tiên mà chủ nhà cần xem xét là nhu cầu sử dụng của gia đình. Mảnh đất để xây nhà cần có diện tích đủ rộng, gần nơi học tập và làm việc của các thành viên trong gia đình.

Dân gian xưa quan niệm đất để xây nhà tốt nhất là các mảnh đất vuông vắn và bằng phẳng. Kinh nghiệm mua đất được đúc kết trong câu khẩu ngữ quen thuộc “Nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ”, bao gồm đầy những yếu tố cần có của một mảnh đất đẹp: 

  • Cận thị (gần nơi mua sắm phục vụ cuộc sống thường nhật)
  • Cận giang (gần sông để hưởng không khí mát mẻ)
  • Cận lộ (để đi lại dễ dàng, thuận lợi).

Ngoài ra, khi lựa chọn đất, chủ nhà cũng cần xem xét các yếu tố khác như:

  • Đất có nằm trong vùng quy hoạch hay không: Nếu đất nằm trong vùng quy hoạch trong tương lai gần, dù giá mảnh đất đó có rẻ đến đâu chủ nhà cũng không nên mua.
  • Đất có nằm trong diện tranh chấp hay không: Mảnh đất đang bị tranh chấp sẽ có rất nhiều rắc rối liên quan đến pháp lý. Do đó, chủ nhà nên thận trọng khi dự định mua những mảnh đất như vậy.

1.2. Lên ý tưởng xây dựng căn nhà ban đầu

Để xây dựng một ngôi nhà, chủ nhà cần có hình dung cụ thể về mục đích, nhu cầu và phong cách của không gian sống trong tương lai:

  • Mục đích sử dụng: Ngôi nhà sau khi xây dựng được dùng cho mục đích sinh hoạt hay kinh doanh, cho thuê,… Xác định rõ mục đích ngay từ đầu giúp chủ nhà dễ dàng quy hoạch và bố trí công năng các phòng trong nhà.
  • Nhu cầu của gia đình: Chủ nhà nên xem xét kỹ nhu cầu của gia đình mình cần xây bao nhiêu tầng, bao nhiêu phòng,… không chỉ trong thời điểm hiện tại mà còn cả trong tương lai. Ví dụ, chủ nhà có mong muốn sinh thêm em bé thì cần bố trí thêm phòng.
  • Phong cách mong muốn: Chủ nhà có thể tham khảo các phong cách nội thất được ưa chuộng hiện nay như: Tối giản (Minimalism), Hiện đại (Modern), Tân cổ điển (Neoclassical), Đông Dương (Indochine),... để tìm kiếm nguồn cảm hứng cho không gian của riêng mình.

Sau khi có ý tưởng, chủ nhà nên thuê đơn vị thiết kế hoặc kiến trúc sư để hoàn thiện ý tưởng, sau đó sử dụng phần hồ sơ thiết kế này để xin cấp phép. Chủ nhà cần đặc biệt lưu ý, phần hồ sơ cấp phép và thực tế phải tương đồng và hạn chế các điều chỉnh, đặc biệt là về mặt tiền của ngôi nhà.

Nếu có ý định xây nhà với mục đích sinh hoạt gia đình, bạn có thể đọc thông tin chi tiết về quy trình xây dựng nhà dân dụng. Quy trình xây dựng này sẽ đưa ra các định hướng cụ thể hơn về ý tưởng, dự trù chi phí, lưu ý phong thuỷ đối với căn nhà ở gia đình.

Để xây dựng một ngôi nhà dù to hay nhỏ thì ngay từ ban đầu, chủ nhà cần có hình dung cụ thể
Để xây dựng một ngôi nhà dù to hay nhỏ thì ngay từ ban đầu, chủ nhà cần có hình dung cụ thể

1.3. Khảo sát hiện trạng địa chất

Để xây dựng nhà ở an toàn và bền vững, chủ nhà cần phải thực hiện khảo sát địa chất khu vực xây dựng trước khi thi công. Khảo sát địa chất là quá trình đo đạc, phân tích và vẽ bản vẽ tỉ lệ 1:200 của khu đất, bao gồm các thông tin như:

  • Hiện trạng khu đất: Độ phẳng, độ cao, độ dốc, hướng gió,...
  • Tình trạng thổ nhưỡng: Độ cứng, độ ẩm, độ sâu, loại đất,...
  • Ranh giới và quy hoạch: Khoảng lùi, phần đất được xây dựng, ranh giới với các khu đất khác,...

Khảo sát địa chất giúp chủ nhà và kiến trúc sư lựa chọn phương án kết cấu móng phù hợp, tránh những rủi ro như sụt lún, nứt nẻ hoặc tranh chấp pháp lý,... Khảo sát địa chất cần được thực hiện bởi các chuyên gia có kinh nghiệm và uy tín để đảm bảo chất lượng và tính chính xác.

Để xây dựng nhà ở an toàn và bền vững, chủ nhà cần phải thực hiện khảo sát địa chất khu vực xây dựng trước khi thi công
Để xây dựng nhà ở an toàn và bền vững, chủ nhà cần phải thực hiện khảo sát địa chất khu vực xây dựng trước khi thi công

1.4. Tính toán chi phí xây nhà

Xây một ngôi nhà hoàn thiện sẽ mất những khoản chi phí sau đây:

1 - Chi phí thuê nhà thầu

Chủ nhà sẽ mất một khoản chi phí để thuê đơn vị thiết kế và đơn vị thi công khi xây nhà. Trong trường hợp chủ nhà chọn đơn vị thiết kế, thi công trọn gói, chi phí thiết kế - thi công sẽ được gộp vào đơn giá/m2 xây dựng.

2 - Chi phí xây dựng cơ bản

Chủ nhà có thể tham khảo công thức tính chi phí xây dựng nhà ở sau đây: 

Chi phí thi công xây dựng = Số m2 sàn xây dựng x Đơn giá một m2. 

Ví dụ: Căn nhà bạn dự định xây dựng có diện tích sàn là 50m2/tầng, ngôi nhà có 4 tầng, đơn giá đơn vị thi công cung cấp là 5.400.000 – 6.500.000 VNĐ/m2 thì tổng chi phí xây dựng cơ bản dự kiến là  1.080.000.000 - 1.300.000.000 VNĐ 

Để dự tính chi phí chính xác nhất, chủ nhà nên theo sát bản vẽ thiết kế và lập dự toán chi phí chi tiết các hạng mục.

3 - Chi phí trang trí nội thất:

Chi phí hoàn thiện nội thất bao gồm tiền để mua các đồ vật bày trí trong nhà như bộ sofa - bàn trà, thiết bị bếp, thiết bị phòng tắm, giường ngủ, hệ thống đèn trang trí,… Nhiều đơn vị nhận thi công nhà trọn gói bao gồm cả lắp đặt nội thất. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể tách riêng hạng mục này và có thể hoàn thiện dần sau khi xây xong phần thô của ngôi nhà nếu ngân sách khiêm tốn.

4 - Chi phí phát sinh

Trong quá trình dự toán chi phí xây nhà, chủ nhà nên để ra khoảng 10 - 15%  tổng chi phí cho các hạng mục phát sinh. Điều này giúp chủ nhà có thể chủ động hơn trong các tình huống phát sinh bất ngờ cần đến tiền bạc.

Chủ nhà cần có dự tính chi phí xây nhà đồng thời xem xét dự phòng một khoản cho những vấn đề phát sinh
Chủ nhà cần có dự tính chi phí xây nhà đồng thời xem xét dự phòng một khoản cho những vấn đề phát sinh

1.5. Lựa chọn đơn vị thiết kế & nhà thầu thi công

Chủ nhà có thể lựa chọn đơn vị thiết kế và thi công riêng biệt hoặc cũng có thể lựa chọn nhà thầu thiết kế và thi công trọn gói. Nếu lựa chọn 2 đơn vị riêng biệt, chủ nhà sẽ được trải nghiệm dịch vụ tại các đơn vị có chuyên môn sâu về mảng thiết kế hoặc thi công. Tuy nhiên, giải pháp này thường sẽ tốn kém thời gian và tiền bạc hơn.

Vì vậy, các gói dịch vụ thiết kế - thi công trọn gói hiện nay đang được ưa chuộng hơn. Việc một đơn vị đảm nhận tất cả hạng mục giúp cả quá trình được đồng bộ và bám sát ý tưởng thiết kế nhất. Giải pháp này cũng giúp chủ nhà thuận lợi hơn trong khâu quản lý, giám sát.

Chủ nhà có thể lựa chọn đơn vị thiết kế và thi công riêng biệt hoặc cũng có thể lựa chọn nhà thầu thiết kế và thi công trọn gói
Chủ nhà có thể lựa chọn đơn vị thiết kế và thi công riêng biệt hoặc cũng có thể lựa chọn nhà thầu thiết kế và thi công trọn gói

1.6. Ký hợp đồng với nhà thầu

Sau khi có được tiếng nói chung, chủ nhà và nhà thầu mới tiến hành làm hợp đồng. Trong quá trình này, chủ nhà nên chú ý xem xét kỹ một số hạng mục dưới đây:

 1 - Bảng báo giá thi công

Trước khi ký vào bản hợp đồng chính thức, chủ nhà nên đọc kỹ lại báo giá một lần nữa xem có chính xác như các mức chi phí đã bàn bạc với nhà thầu trước đó. Bên cạnh đó, chủ nhà cần đảm bảo rằng báo giá của nhà thầu đã đầy đủ các công việc liên quan để hoàn thành ngôi nhà, tránh việc có quá nhiều các phát sinh sau này làm giá trị xây dựng của công trình vượt quá kiểm soát.

2 - Bảng vật liệu thô và vật liệu hoàn thiện

Vật liệu xây dựng có ảnh hưởng lớn đến chất lượng công trình hoàn thiện. Vì vậy,  khi làm hợp đồng, chủ nhà nên kiểm tra để tránh trường hợp nhà thầu nhầm lẫn hoặc nhà thầu kém chất lượng cố tình đổi loại vật tư.

Vật liệu xây dựng có ảnh hưởng lớn đến chất lượng công trình hoàn thiện
Vật liệu xây dựng có ảnh hưởng lớn đến chất lượng công trình hoàn thiện

3 - Tiến độ các đợt thanh toán

Tuỳ theo thoả thuận giữa chủ nhà và nhà thầu, có thể có nhiều hình thức thanh toán khác nhau. Hiện nay, có 2 kiểu thanh toán phổ biến nhất là:

  • Thanh toán từng phần: Nhà thầu hoàn thiện công đoạn nào, chủ nhà sẽ nghiệm thu phần đó. Nếu chất lượng đảm bảo đúng cam kết, chủ nhà sẽ tiến hành thanh toán cho nhà thầu.
  • Thanh toán theo tuần: Hình thức thanh toán này thường được sử dụng đối với các nhà thầu nhỏ lẻ bởi cuối tuần là thời gian trả lương cho thợ thi công. Nếu sử dụng kiểu thanh toán này, chủ nhà sẽ gặp nhiều hạn chế trong việc theo dõi tiến độ thi công.

Hiện nay, các chủ nhà phần lớn lựa chọn kiểu thanh toán theo từng phần (từng đợt). Đây là một hình thức thanh toán có lợi cho một số chủ nhà có nguồn ngân sách thấp. Quan trọng hơn, việc nghiệm thu từng đợt rồi bàn giao và thanh toán giúp chủ nhà an tâm hơn, dễ dàng kiểm soát chất lượng công trình.

4 - Tiến độ thi công

Để tránh trường hợp nhà thầu trì hoãn hoặc làm việc không hiệu quả dẫn đến chậm tiến độ thi công, trong hợp đồng cần nêu rõ ràng về mốc thời gian hoàn thiện. Đặc biệt, chủ nhà cần làm rõ mức phạt hợp đồng nếu như nhà thầu chậm tiến độ.

Để tránh trường hợp này, trong hợp đồng cần nêu rõ ràng về mốc thời gian hoàn thiện thi công
Để tránh trường hợp này, trong hợp đồng cần nêu rõ ràng về mốc thời gian hoàn thiện thi công

5 - Trách nhiệm của nhà thầu và chủ nhà

Cả nhà thầu và chủ nhà sẽ đều phải cam kết thực hiện những trách nhiệm nhất định để quá trình xây nhà diễn ra suôn sẻ:

  • Về phía nhà thầu: Đảm bảo không phát sinh thêm chi phí, đảm bảo tiến độ, trình độ thợ thi công; thực hiện thi công an toàn - đúng kỹ thuật,…Bên cạnh đó, nhà thầu cũng cần cung cấp các giải pháp, hướng dẫn và tư vấn đề xuất phù hợp với dự án để đảm bảo chất lượng tốt nhất cho dự án.
  • Về phía chủ nhà: Thanh toán đầy đủ chi phí cho nhà thầu theo từng đợt, phối hợp và hỗ trợ nhà thầu trong những trường hợp phát sinh bất ngờ,…

6 - Chính sách bảo hành

Chính sách bảo hành chu đáo, minh bạch giúp nhà thầu nhận được sự tin tưởng và đánh giá tốt từ phía khách hàng. Theo luật xây dựng, các công trình xây dựng hiện nay có thời hạn bảo hành là 24 tháng.

Hiện nay, phần lớn các nhà thầu xây dựng trên thị trường đều có chính sách bảo hành từ 2 - 5 năm tuỳ vào giá trị hợp đồng
Hiện nay, phần lớn các nhà thầu xây dựng trên thị trường đều có chính sách bảo hành từ 2 - 5 năm tuỳ vào giá trị hợp đồng

1.7. Hoàn thành hồ sơ thiết kế

Hồ sơ thiết kế chứa đựng các thông tin chi tiết về kết cấu, hệ thống, vật liệu và thiết bị của công trình... Đơn vị thiết kế có trách nhiệm cung cấp hồ sơ bản vẽ kèm theo hợp đồng để đảm bảo tính minh bạch và tránh những sai sót có thể xảy ra trong quá trình thi công.

Hồ sơ thiết kế đầy đủ bao gồm:

  • Bản vẽ thiết kế kiến trúc: Thể hiện mặt bằng, mặt đứng, mặt cắt của ngôi nhà; giúp chủ nhà có cái nhìn khái quát nhất về công trình của mình.
  • Bản vẽ thiết kế kết cấu: Thể hiện các hạng mục như móng nhà, hệ thống dầm, trụ cột, mái nhà,,… có liên quan mật thiết đến sự vững chãi và an toàn của ngôi nhà.
  • Bản vẽ thiết kế hệ thống kỹ thuật: Bao gồm các bản vẽ chi tiết về hệ thống cấp – thoát điện, nước, và các hệ thống khác tùy theo nhu cầu của gia chủ, như an ninh, internet, điện lạnh,… Mục tiêu của bản vẽ này là đảm bảo cho hệ thống hoạt động an toàn, hợp lý và tiết kiệm.
  • Bản vẽ thiết kế nội thất: Gồm có các bản vẽ về phân bố các phòng, bố trí các phương tiện sinh hoạt, và phối hợp màu sắc, ánh sáng, thẩm mỹ kiến trúc và các vật trang trí. 
  • Bản vẽ thiết kế ngoại thất: Bao gồm các bản vẽ về phối cảnh tổng thể sân vườn, chi tiết, điểm nhấn, tiểu cảnh,… để tạo ra một không gian xanh và thoáng mát.
Hồ sơ thiết kế chứa đựng các thông tin chi tiết về kết cấu, hệ thống, vật liệu và thiết bị của công trình
Hồ sơ thiết kế chứa đựng các thông tin chi tiết về kết cấu, hệ thống, vật liệu và thiết bị của công trình

1.8.Hoàn thành các thủ tục pháp lý

Khi hiểu các quy định pháp lý, quá trình xây dựng nhà sau này của chủ nhà sẽ thuận lợi hơn, tránh những vi phạm không đáng có. Chủ nhà cần tìm hiểu các thông tin sơ bộ trước, sau đó mới chuẩn bị các giấy tờ, hồ sơ hợp pháp.

1 - Tìm hiểu về các vấn đề pháp lý liên quan đến ngôi nhà

Chủ nhà phải tìm hiểu thật kỹ các giấy tờ pháp lý của mảnh đất, mục đích sử dụng của mảnh đất trước đó, các chủ nhân trước của đất,… để đảm bảo hợp pháp, có thể thuận lợi trong việc xin giấy phép xây dựng về sau.

2 - Tiến hành xin cấp giấy phép xây dựng

Để được cấp giấy phép xây dựng nhà ở, mảnh đất cần có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hợp pháp. Đặc biệt, chủ nhà cần chuẩn bị bộ hồ sơ thiết kế chi tiết công trình do một đơn vị có tư cách pháp nhân và có chuyên môn về thiết kế đảm nhận.

Căn cứ theo Nghị định số 15/2021/NĐ-CP, quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng, thủ tục xin cấp phép xây nhà mới được chia như sau:

Đối với các công trình xây dựng không theo tuyến:

  • Đơn đề nghị cấp giấy phép xây dựng theo quy định
  • Một trong những giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất
  • Quyết định phê duyệt dự án; văn bản thông báo kết quả thẩm định của cơ quan chuyên môn về xây dựng và hồ sơ bản vẽ thiết kế cơ sở được đóng dấu xác nhận kèm theo (nếu có).
  • Báo cáo kết quả thẩm tra thiết kế xây dựng.
  • Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy và các tài liệu, bản vẽ được thẩm duyệt kèm theo theo quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy.
  • Văn bản kết quả thực hiện thủ tục về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường đối với trường hợp không thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng tại cơ quan chuyên môn về xây dựng.
  • 02 bộ bản vẽ thiết kế xây dựng trong hồ sơ thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở được phê duyệt theo quy định của pháp luật về xây dựng.

Đối với công trình theo tuyến:

  • Đơn đề nghị cấp giấy phép xây dựng theo quy định.
  • Một trong những giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai hoặc Văn bản chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về vị trí và phương án tuyến hoặc Quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về đất đai.
  • 02 bộ bản vẽ thiết kế xây dựng trong hồ sơ thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở được phê duyệt theo quy định của pháp luật về xây dựng.
Mẫu đơn để xin cấp phép xây dựng nhà ở
Mẫu đơn để xin cấp phép xây dựng nhà ở

Lưu ý: Quy trình thủ tục xin cấp phép xây dựng sẽ được quy định tùy theo từng tỉnh, thành phố, do đó bạn cần tìm hiểu rõ quy định cụ thể của địa phương mình.

2. Giai đoạn tiền thi công

Trước khi tiến hành thi công chính thức, chủ nhà cần thực hiện các công việc sau:

2.1. Thu xếp đồ đạc chuẩn bị đến nơi ở tạm

Trước khi bắt đầu xây dựng, bạn cần thu xếp đồ đạc của mình để chuyển đến nơi ở tạm trong thời gian thi công. Nơi ở tạm có thể là nhà người thân, bạn bè hoặc thuê nhà trọ, khách sạn. Bạn nên chọn nơi ở tạm gần công trình để tiện theo dõi tiến độ và giải quyết các vấn đề phát sinh.

2.2. Tháo dỡ công trình cũ (nếu có)

Nếu có kế hoạch xây dựng trên nền nhà cũ, chủ nhà và đơn vị thi công cần thực hiện việc tháo dỡ công trình cũ một cách an toàn và hiệu quả. Các bước tháo dỡ nhà cũ bao gồm: khảo sát địa hình, lập phương án thi công tháo dỡ, chuẩn bị hồ sơ nộp cơ quan chức năng, tiến hành che chắn, tháo dỡ và vận chuyển phế thải đi. Chủ nhà cần lưu ý đến các yếu tố như: ảnh hưởng đến hàng xóm, giao thông, môi trường,...

2.3. Chuẩn bị mặt bằng

Trước khi tiến hành xây dựng, cần phải thực hiện các công việc chuẩn bị mặt bằng để đảm bảo điều kiện thuận lợi cho quá trình thi công. Các công việc chuẩn bị mặt bằng gồm có:

  • Làm sạch, phát quang mặt đất: loại bỏ các cây cối, cỏ dại, đá, đất, rác thải,... trên khu vực xây dựng.
  • Vận chuyển phế thải: nếu xây dựng trên nền nhà cũ, cần phải tháo dỡ nhà và các kết cấu xây dựng khác như mái ngói, tường rào,... và vận chuyển các phế thải đổ đến các khu tập kết theo quy định của địa phương.
  • Tập kết vật liệu xây dựng vào vị trí thuận tiện: Sau khi làm sạch mặt bằng, chủ nhà cần phải sắp xếp hợp lý vị trí tập kết vật liệu xây dựng để tiện cho việc sử dụng.
  • Dựng lán trại: Các thợ thi công thường sẽ dựng một lán trại để họ có chỗ nghỉ ngơi, ăn uống… sau những giờ làm việc mệt mỏi.
  • Dựng hàng rào bao quanh công trình: Một hàng rào tạm được dựng lên chủ yếu để tránh người lạ xâm nhập,...
  • Chuẩn bị nguồn điện, nước phục vụ việc xây dựng: Cần phải có nguồn điện và nước ổn định để phục vụ cho các máy móc thiết bị, hệ thống đèn chiếu sáng trong quá trình thi công xây dựng.

2.4. Nhập vật tư

Các nhà thầu thường có các gói xây dựng khác nhau để phù hợp với nhu cầu của khách hàng, ví dụ: xây nhà trọn gói, hoàn thiện phần thô, hoàn thiện nội thất,… Trong đó, họ đã chuẩn bị đầy đủ vật liệu xây dựng, trang thiết bị cần thiết.

Nếu bạn muốn tự mua vật tư để tiết kiệm chi phí hoặc theo sở thích cá nhân, bạn cần chuẩn bị trước theo số lượng, chủng loại và tiêu chuẩn kỹ thuật của các loại vật tư. Trong quá trình thi công, chủ nhà cần đảm bảo cung ứng đủ và đúng vật tư cho quá trình xây dựng, tránh việc thiếu hụt hoặc lãng phí.

Nếu bạn muốn tự mua vật tư, bạn cần chuẩn bị trước theo số lượng, chủng loại và tiêu chuẩn kỹ thuật của các loại vật tư
Nếu bạn muốn tự mua vật tư, bạn cần chuẩn bị trước theo số lượng, chủng loại và tiêu chuẩn kỹ thuật của các loại vật tư

Giai đoạn tiền thi công là bước vô cùng quan trọng nhưng bị nhiều người xem nhẹ. Đặc biệt, với các công trình nhà phố ở nơi nhiều dân cư, ảnh hưởng trực tiếp tới hàng xóm xung quanh. Bạn có thể đọc thông tin về các giai đoạn của quy trình xây nhà phố, bao gồm giai đoạn chuẩn bị, thi công và nghiệm thu để biết thêm chi tiết.

3. Giai đoạn thi công

Giai đoạn thi công bao gồm: thi công phần thô, thi công hoàn thiện và lắp đặt nội thất. Chủ nhà có thể tham khảo chi tiết các công đoạn như sau:

3.1. Thi công phần thô

Khái niệm “thi công thô” được hiểu là quá trình thi công kết cấu xi măng cốt thép, tạo nên bộ khung xương vững chắc cho ngôi nhà. Trong công đoạn xây thô, chủ nhà sẽ cần hoàn thiện 5 hạng mục chính: Móng nhà, dầm nhà, bản sàn, tường và cầu thang.

Thi công thô cần được tiến hành tỉ mỉ, có tính toán kỹ lưỡng để sát với bản vẽ thiết kế nhất có thể. Điều này sẽ giúp công trình bền vững, tránh được những rủi ro mất an toàn như: nghiêng cột, nứt tường, đổ tường… khi ngôi nhà hoàn thiện.

1 - Thi công phần móng

Phần móng là nền tảng của công trình, phải được thiết kế và thi công sao cho chịu được tải trọng của toàn bộ công trình. Đội thợ thi công tiến hành đào móng, đổ bê tông lót, gia công lắp dựng cốt thép móng, gia công lắp dựng cốp pha móng, đổ bê tông móng.

Nếu thi công móng sâu, một hạng mục quan trọng không thể thiếu để đảm bảo an toàn cho công trình lân cận là sử dụng chống văng. Chống văng bao gồm:

  • Chống văng bên trên: Sử dụng hệ gia cố phía bên trên của công trình khi đào móng. Công nhân thi công sẽ chịu trách nhiệm sử dụng hệ thống chống đỡ phù hợp với nền móng đang thi công. 
  • Chống văng bên dưới: Sử dụng bằng cừ hay bằng các cọc ván thép. Chống văng bên dưới có tác dụng gia cố nền móng, chống cong vênh hay biến dạng.
Phần móng là nền tảng của công trình, phải được thiết kế và thi công sao cho chịu được tải trọng của toàn bộ công trình
Phần móng là nền tảng của công trình, phải được thiết kế và thi công sao cho chịu được tải trọng của toàn bộ công trình

2 - Thi công phần khung

Khung nhà bao gồm kết cấu bê tông cốt thép, cột, dầm, đà, sàn và hệ thống tường bao, tường ngăn chia của ngôi nhà.

Cụ thể, một hệ khung nhà bao gồm 5 thành phần chính:

  • Cột nhà (chịu lực cho công trình)
  • Dầm nhà (kết nối và truyền lực xuống đầu cột)
  • Bản sàn (nâng đỡ các đồ vật trong nhà)
  • Tường nhà (tường bao quanh nhà và tường phân chia)
  • Cầu thang

3 - Thi công mái nhà

Thi công mái là hạng mục quan trọng quyết định thẩm mỹ của ngôi nhà. Tùy từng kiểu mái của ngôi nhà mái dốc, mái bằng, mái lệch mà sẽ có các kiểu thi công khác nhau.

VD: Nhà phố mái bằng sẽ được thiết kế và thi công theo kiểu đổ bê tông.

Khung nhà bao gồm các tòa bộ hệ khung kết cấu bê tông cốt thép, cột, dầm, đà, sàn và hệ thống tường bao, tường ngăn chia của ngôi nhà
Khung nhà bao gồm các tòa bộ hệ khung kết cấu bê tông cốt thép, cột, dầm, đà, sàn và hệ thống tường bao, tường ngăn chia của ngôi nhà

3.2. Thi công hoàn thiện

Thi công hoàn thiện là công đoạn cuối cùng trong quá trình xây dựng một căn nhà. Công đoạn này không có các đầu việc nặng như thi công thô nhưng lại yêu cầu cao về tính thẩm mỹ, khéo léo và tỉ mỉ của người thợ.

Các công đoạn chính trong hạng mục thi công hoàn thiện bao gồm:

1 - Đấu nối và hoàn thiện hệ thống điện nước và kỹ thuật ngầm

Đây là khâu cuối cùng trong công đoạn xây nhà hoàn thiện. Khi lắp đặt điện nước và các hệ thống kỹ thuật, người thợ thi công cần thực hiện đúng bản vẽ và đảm bảo tiêu chuẩn an toàn. Như vậy, đường điện, nước, internet,… mới có thể hoạt động hiệu quả và thuận tiện hơn cho công tác bảo trì sau này

2 - Ốp gạch

Công đoạn này quyết định nhiều đến vẻ đẹp của ngôi nhà. Khi ốp gạch, người thợ thi công cần phải chú ý thực hiện cẩn thận, tỉ mỉ để các viên gạch thẳng hàng, mạch gạch đều nhau, không xô lệch, chỗ thấp chỗ cao. Tùy theo sở thích và sự hài hòa với không gian nội thất mà chủ nhà sẽ chọn ra loại gạch ốp lát phù hợp.

3 - Sơn bả tường

Công đoạn sơn không chỉ làm ngôi nhà đẹp hơn mà còn có công dụng bảo vệ bức tường, giúp công trình bền bỉ hơn. Đối với từng vị trí, chủ nhà cần chọn loại sơn có chất lượng tốt và đúng với từng chức năng (sơn trong nhà, sơn ngoài trời, sơn lót, sơn phủ). Người thợ thi công cần phải khéo léo, tỉ mỉ khi thao tác để tạo được lớp hoàn thiện trên tường đều màu và nhẵn mịn.

4 - Trát tường & láng sàn

Để có được bề mặt tường và sàn phẳng mịn, vữa trát cần được trộn theo đúng tỷ lệ và kỹ thuật. Với những vị trí thường xuyên tiếp xúc với nước và độ ẩm không khí cao như góc bếp, tường nhà vệ sinh, người thợ thi công cần trộn thêm hỗn hợp chống thấm vào vữa để bảo vệ tường và sàn nhà. Bên cạnh đó, trước khi thực hiện công đoạn này, bề mặt tường hoặc sàn cần phẳng và nhẵn, không có rêu phủ.

Thi công hoàn thiện không có các đầu việc nặng như thi công thô nhưng lại yêu cầu cao về tính thẩm mỹ, khéo léo và tỉ mỉ của người thợ
Thi công hoàn thiện không có các đầu việc nặng như thi công thô nhưng lại yêu cầu cao về tính thẩm mỹ, khéo léo và tỉ mỉ của người thợ

*Lưu ý về vật liệu thi công hoàn thiện: Các vật liệu thi công hoàn thiện bao gồm gỗ, gạch ốp lát, mái ngói, sơn nước nên là các vật liệu chất lượng đến từ các thương hiệu uy tín. Điều này giúp ngôi nhà sau khi hoàn thiện bền đẹp hơn, giúp bạn có được không gian sống thoải mái, tiện nghi.

3.3. Lắp đặt nội thất

Lắp đặt nội thất thường chia ra lắp đặt những nội thất dính liền tường và nội thất hoàn thiện.

1 - Lắp đặt nội thất liền tường

Nếu như các sản phẩm nội thất truyền thống thường được đặt trên sàn nhà thì nội thất liền tường lại được thiết kế gắn liền với tường, trần hoặc một số kết cấu khác của căn nhà. Một số mẫu nội thất liền tường phổ biến như: Tủ quần áo, tủ bếp hay một số mẫu ghế liền tường,…

Nội thất liền tường được sử dụng nhằm chỉ các sản phẩm nội thất được tích hợp với các phần của kiến trúc không gian hay căn nhà
Nội thất liền tường được sử dụng nhằm chỉ các sản phẩm nội thất được tích hợp với các phần của kiến trúc không gian hay căn nhà

2 - Lắp đặt nội thất di động

Nội thất di động bao gồm các món đồ có thể di chuyển vị trí dễ dàng như: tivi, tủ lạnh, bàn ghế, giường, tủ quần áo, rèm cửa,... Chủ nhà nên lắp đặt theo bản vẽ thiết kế nội thất để quá trình diễn ra nhanh chóng và tiết kiệm, tránh lắp đặt không có quy trình, lắp đặt ngẫu hứng.

Một mẫu nội thất di động
Một mẫu nội thất di động

3.4. Hoàn thiện ngoại thất

Hoàn thiện nội thất bao gồm một số hạng mục tiêu biểu như:

1 - Lát nền sân vườn

Lát nền sân vườn có thể sử dụng nhiều loại vật liệu khác nhau, như gạch, đá, xi măng, cát, sỏi,... Tùy vào ý tưởng và ngân sách của bạn, bạn có thể chọn lựa loại vật liệu phù hợp và kết hợp chúng một cách hài hòa.

2 - Tạo tiểu cảnh

Bạn có thể tạo tiểu cảnh theo các chủ đề khác nhau, như phong cảnh thiên nhiên, văn hóa truyền thống, hoặc hiện đại. Bạn cũng có thể sử dụng các phụ kiện như đèn, bình hoa, tượng, tranh,... để trang trí cho tiểu cảnh.

3 - Thiết kế cây xanh

Cây xanh có tác dụng làm sạch không khí, tạo bóng mát và che chắn cho ngôi nhà. Bạn có thể chọn các loại cây xanh phù hợp với khí hậu, đất và không gian của bạn. Bạn cũng nên chú ý đến việc chăm sóc và bảo vệ cây xanh, để chúng luôn khỏe mạnh và xanh tốt.

Bản vẽ phối cảnh 3D một mẫu nội thất sân vườn
Bản vẽ phối cảnh 3D một mẫu nội thất sân vườn

4. Giai đoạn nghiệm thu & bàn giao cho chủ nhà

Nghiệm thu là công việc kiểm tra và đánh giá chất lượng công trình nhằm đảm bảo chắc chắn có thể đưa vào sử dụng. Công việc này cần được thực hiện với tất cả các hạng mục thi công, từ giai đoạn xây thô cho đến khi lắp đặt hoàn thiện nội thất. Chủ nhà (cùng với giám sát công trình) sẽ kiểm tra xem đơn vị có thi công đúng với bản vẽ thiết kế và đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật hay không.

Để nghiệm thu công trình một cách hiệu quả, chủ nhà cần lưu ý những điểm sau đây:

  • Tạo bảng thống kê chi tiết: Bảng thống kê giúp chủ nhà có cái nhìn tổng quan về tình trạng của các hạng mục công trình, từ đó có thể dễ dàng đánh giá chất lượng cho từng hạng mục, không bị bỏ sót.
  • Khắc phục sự cố, lỗi kỹ thuật phát sinh: Nếu phát hiện ra bất kỳ sai sót hay thiếu sót nào, chủ nhà cần yêu cầu bên thi công sửa chữa và khắc phục ngay lập tức để đảm bảo công trình đạt tiêu chuẩn bàn giao cho chủ nhà.
  • Lập biên bản nghiệm thu: Biên bản nghiệm thu từng hạng mục có tác dụng xác nhận sự hoàn thành của công trình và làm cơ sở cho việc thanh toán cho bên thi công.
  • Nghiệm thu các phần bị che khuất: Chủ nhà cần đảm bảo rằng các phần bị che khuất như hầm, hố, đường ống nước, điện âm tường cũng được kiểm tra kỹ lưỡng và có bản vẽ hoàn công trước khi thực hiện các công việc khác.
  • Vệ sinh sạch sẽ và bàn giao công trình: Sau khi nghiệm thu thành công và chứng minh được chất lượng của công trình, bên thi công sẽ dọn dẹp vệ sinh mặt bằng, vận chuyển hết các thiết bị, máy móc ra khỏi khu vực công trình. Chủ nhà có thể sẵn sàng dọn vào ngôi nhà mới của mình.
Nghiệm thu là công việc kiểm tra và đánh giá chất lượng công trình nhằm đảm bảo chắc chắn có thể đưa vào sử dụng
Nghiệm thu là công việc kiểm tra và đánh giá chất lượng công trình nhằm đảm bảo chắc chắn có thể đưa vào sử dụng

Xây Tổ Ấm - Giải pháp lựa chọn nhà thầu xây dựng lý tưởng

Xây nhà là công việc đầy khó khăn, cần có sự chuẩn bị, lên kế hoạch và theo dõi chặt chẽ ở mọi bước. Vì vậy, nếu không có nhiều kiến thức và thời gian để xử lý các vấn đề liên quan đến công trình, chủ nhà nên tìm kiếm những đơn vị uy tín, có chuyên môn cao để hỗ trợ thiết kế và thi công ngôi nhà đẹp, bền vững và an toàn.

Xây Tổ Ấm là nền tảng kết nối chủ nhà và nhà thầu hàng đầu tại Việt Nam, được quản lý bởi tập đoàn Mitsui Nhật Bản. Hợp tác với Xây Tổ Ấm, chủ nhà sẽ nhận được những lợi ích như:

  • Xác thực nhà thầu minh năng lực nhà thầu: Mạng lưới nhà thầu của Xây Tổ Ấm đã được trải qua quá trình xác minh năng lực kỹ lưỡng. Các chuyên gia của Xây Tổ Ấm sẽ đến trực tiếp trụ sở và xưởng sản xuất của nhà thầu nhằm đảm bảo về số lượng nhân sự, cơ sở vật chất và quy mô của công ty thực tế.
  • Đề xuất 3 nhà thầu phù hợp & hỗ trợ chủ nhà thương lượng với nhà thầu: Xây Tổ Ấm sẽ đề xuất 03 nhà thầu phù hợp dựa trên báo giá và yêu cầu của chủ nhà. Đồng thời, Xây Tổ Ấm cam kết luôn đứng về phía chủ nhà trong các cuộc gặp gỡ, thương thảo 3 bên.
  • Đồng hành trong quá trình thi công: Xây Tổ Ấm luôn ở bên cạnh chủ nhà trong suốt quá trình thi công với hơn 140+ giờ kiểm tra công trình ở các thời điểm quan trọng. Cung cấp báo cáo và cập nhật tình trạng công trình cho chủ nhà, đồng thời, hỗ trợ chủ nhà quản lý chất lượng thi công của nhà thầu.
Xây Tổ Ấm - Nơi kết nối chủ nhà và nhà thầu xây dựng hàng đầu Việt Nam
Xây Tổ Ấm - Nơi kết nối chủ nhà và nhà thầu xây dựng hàng đầu Việt Nam

Như vậy, bài viết trên đã cung cấp cho chủ nhà các thông tin chi tiết về quy trình xây dựng 1 căn nhà. Nếu Chủ nhà gặp khó khăn trong quá trình lựa chọn đơn vị thiết kế, đừng ngần ngại liên hệ với Xây Tổ Ấm. Đội ngũ chuyên viên Xây Tổ Ấm hân hạnh đồng hành cùng bạn kiến tạo ngôi nhà mơ ước với sự tận tâm và trách nhiệm cao nhất!

Xây Tổ Ấm - GIẢI PHÁP LỰA CHỌN NHÀ THẦU LÝ TƯỞNG

  • Email: info@xaytoam.vn
  • Hotline: 024 7309 6896
  • Số điện thoại: (+84) 936 365 851
  • Địa chỉ: P903B, tòa Sun Red River, 23 Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội