Thiết kế
Đang cập nhật
16/08/2022
221 lượt xem
Thiết kế nội thất cho ngôi nhà thân thiện với thú cưng

Trong sự hối hả và có đôi khi cô đơn, nhàm chán của nhịp sống đô thị, thú cưng dần trở thành nguồn an ủi, người bạn và tình yêu thương mới đối với rất nhiều người. Tuy nhiên, một "người bạn bốn chân" cũng tiềm ẩn kha khá những rắc rối cho nội thất gia đình bạn. Nếu chú chó mới nhai mọi thứ trong tầm mắt hoặc bé mèo con đáng yêu cào lên tất cả đồ đạc của bạn trong phòng thì tất cả những căng thẳng mà chúng đã giúp giảm bớt có thể sẽ quay trở lại ngay và luôn.

May mắn thay, có rất nhiều cách để chống thú cưng “phá hoại” ngôi nhà bạn cũng như là giúp chúng có thể sống một cách thoải mái hơn trong chính căn nhà mình từ góc độ thiết kế nội thất; đồng thời không làm ảnh hưởng đến trang trí và thẩm mỹ của không gian sống vốn có của chủ nhân. Hãy cùng Xây Tổ Ấm tìm hiểu ngay trong bài viết này nhé. 

1. Sàn nhà:

Đối với sàn nhà, tránh lát sàn gỗ công nghiệp, gạch bóng hoặc đá bóng vì vật nuôi của bạn có thể trượt khi chạy xung quanh. Loại sàn tốt nhất cho vật nuôi là sàn nhựa vinyl vì nó không thấm nước, chống trầy xước và dễ lau chùi. Gạch men và đá cũng là những lựa chọn thay thế tuyệt vời.

Nếu bạn muốn dùng sàn gỗ cứng thì cần lưu ý rằng sự di chuyển của thú cưng sẽ khiến gỗ dễ dàng bị xước hay lõm. Để giảm thiểu tình trạng này, bạn nên chọn sàn gỗ cứng có lớp hoàn thiện mờ hoặc có độ bóng thấp vì sàn bóng dễ lộ khuyết điểm hơn.

1-lua-chon-san-go-cho-nha-co-thu-cung-1660638777.jpg
Bạn có thể chọn các mẫu sàn gỗ kiểu hơi xưa cũ một tí với các lớp xước được tạo ra 1 cách nhân tạo hoặc tự nhiên để các vết trầy gây ra từ thú cưng nếu có sẽ hòa hợp với kiểu dáng ban đầu của sàn. Pic source: wideplankflooring.com

Mặt khác, khi dùng gỗ cứng thật, bạn cần phải dọn sạch vũng nước của vật nuôi ngay sau khi phát sinh để giữ cho sàn gỗ cứng không bị ố và cong vênh. Ngoài ra, nên chọn các loại gỗ cứng hơn như sồi hoặc gỗ gụ và tránh các loại gỗ mềm dễ hư hại hơn, như thông và linh sam.

2. Thảm

Thảm thường hay bị bỏ qua trong các gia đình có vật nuôi, tuy vậy, một tấm thảm chống trượt có thể giúp bảo vệ sàn nhà bạn khỏi mọi vết trầy xước đồng thời làm sáng không gian trong phòng. Bên cạnh đó, bề mặt thảm cũng giúp tạo lớp đệm thoải mái cho thú cưng khi đi dạo và ngủ trưa, giúp tăng sự yên tĩnh và giúp vật nuôi đỡ bị trượt khi chạy nhảy quá mức.

2-lua-chon-tham-cho-nha-co-thu-cung-1660638811.jpg
Không như một số người thường nghĩ, thực tế, thảm hay sàn vải khá phù hợp cho những không gian có vật nuôi. Pic source: TOLI Corporation Global Department

Khi lựa chọn thảm, thay vì cố gắng che giấu những rắc rối tiềm ẩn bằng màu tối, hãy chọn một tấm thảm có hoa văn nhiều màu. Hoa văn và sự kết hợp màu sắc sẽ giúp che đi mọi vết bẩn mà bạn không thể loại bỏ đồng thời tăng thêm sức sống cho không gian. Dù vậy, nên tránh sử dụng những tấm thảm có vòng lặp khiến móng vuốt của vật nuôi dễ bị vướng, mắc.

Nếu quan tâm đến lông thú cưng hơn là vết bẩn, bạn cũng có thể kết hợp màu thảm hoặc ghế sofa có tông màu không quá nhạt và gần với màu lông của thú cưng để lông ít lộ ra hơn.

💡Tips: Đừng quên chọn loại thảm trải sàn có khả năng chống vết bẩn để dễ dàng dọn dẹp. Nếu có điều kiện, bạn nên đầu tư thảm trải sàn có thêm lớp đệm chống vi khuẩn, chống ẩm để bảo vệ lớp nền bên dưới.

3-lua-chon-tham-de-lau-chui-cho-thu-cung-1660638951.jpg
Nên lựa chọn các loại thảm chống vết bẩn và có dạng thảm để dễ dàng lau chùi. Pic source: TOLI Corporation Global Department

Một phương án khác là chọn thảm dạng gạch thay vì thảm trải sàn dạng cuộn truyền thống. Bằng cách đó, nếu một vài tấm thảm bị ố vàng, bạn có thể chỉ cần thay những tấm gạch đó mà không cần phải thay toàn bộ thảm. Nếu sử dụng thảm trải sàn, hãy nhớ mua thêm một vài tấm thảm trải tương tự để giữ lại làm vật liệu thay thế trong tương lai.

3. Đồ nội thất:

  • Màu sắc:

Giống như thảm trải sàn, đồ nội thất nên được bọc bằng những vật liệu có khả năng chống ố, bền và gần với màu lông thú cưng, nhưng không quá nhạt. Mọi người thường nghĩ rằng các loại vải và thảm tối màu là chìa khóa để che giấu bụi bẩn và vết dơ - nhưng thực tế, vải bọc tối màu có thể làm nổi bật một số vết bẩn nhất định. (Ngoài ra, toàn bộ căn phòng có đồ nội thất tối màu sẽ làm giảm không gian của bạn một cách trực quan.)

Tuy nhiên, bạn cũng nên tránh sử dụng những màu siêu nhạt, trừ khi chúng có các lớp phủ mà bạn có thể tẩy trắng. Xám là một lựa chọn khá lý tưởng để giữ cho căn phòng có cảm giác nhẹ nhàng mà không trở thành nam châm hút vết bẩn.

  • Chất liệu:

Hãy chọn những loại vải dễ giặt sạch và lý tưởng nhất là có thể giặt bằng máy. Bạn có thể cân nhắc đồ nội thất có lớp phủ để bạn có thể quăng tấm phủ đi giặt khi bị bẩn. Hoặc chọn các loại vải “dai” như Sợi vải Microfiber, hoặc da thuộc và thậm chí là vải chuyên dùng ngoài trời. Nếu bạn cho phép vật nuôi của mình trên giường, hãy bỏ ga trải giường bằng lụa và chọn những chất liệu chắc chắn như vải lanh hoặc Microfiber. Những loại vải này được dệt chặt chẽ để lông thú cưng của bạn không bị dính vào chăn.

4-vat-lieu-noi-that-than-thien-thu-cung-1660639051.jpg

Đây là những loại vải bền nhưng tất nhiên là không phải là không thể bị hư hỏng (hay bị phá hỏng). Vì vậy, hãy thường xuyên cắt tỉa móng cho thú cưng. Nếu bạn chọn vật liệu bằng da, hãy nhớ rằng nó có thể bị xước. Do đó, nên sử dụng da bán Anilin ( có một lớp phủ nhẹ ,mức độ tự nhiên bề mặt nằm giữa da Anilin và da nhuộm có chất bảo vệ) vốn thường sẽ bền bỉ hơn thay cho da Anilin (da tự nhiên, da nguyên, da trần, da mộc). Ngoài ra, da cũng siêu dễ làm sạch và hút bụi, giúp việc xua đuổi lông thú trở nên dễ dàng.

5-lua-chon-vat-lieu-noi-that-da-cho-nha-co-thu-cung-1660639116.JPG

  • Sắp xếp nội thất:

Một điều quan trọng khác bạn cần lưu ý là sự sắp xếp tổng thể của đồ nội thất của bạn. Hãy đảm bảo bố cục được giữ sạch sẽ và đơn giản để tránh tai nạn. Giống như trẻ em, vật nuôi đôi khi có thể không để ý đến các góc sắc nhọn hoặc các vật dụng nguy hiểm. Nếu đồ nội thất của bạn có các góc sắc nhọn, hãy che giấu chúng bằng cách gắn một miếng bảo vệ góc vào các cạnh bàn. Đảm bảo sắp xếp đồ đạc sạch sẽ và đơn giản để tránh mọi tai nạn có thể xảy ra khi thú cưng của bạn chạy nhảy xung quanh.

6-bao-ve-an-toan-cho-vat-nuoi-trong-nha-1660639122.JPG

Ngoài ra, tránh xa đồ đạc có chân bằng gỗ - mèo sẽ cào vào chúng để chải vuốt trong khi chó sẽ xem nó như một món đồ chơi để nhai mà cắn. Để đảm bảo đồ đạc của bạn bền lâu, hãy chọn những vật liệu thân thiện với vật nuôi như chân ghế bằng kim loại hoặc nhựa vì chúng có khả năng chống lại sự tấn công của vật nuôi tốt hơn.

Bên cạnh đó, bạn có thể thiết lập một quy tắc với thú cưng khi di chuyển – chẳng hạn như chúng có được phép ở trên ghế sofa hay không?

💡 Tips:

Hãy cân nhắc đặt lá nhôm hoặc bọc bong bóng trên ghế sofa của bạn khi không sử dụng. Thú cưng thường không thích cảm giác và âm thanh của những vật dụng này, vì vậy chúng sẽ tránh ngồi ở đó. Hoặc là, bạn có thể tạo bình xịt đuổi thú cưng tự chế của riêng bạn bằng cách trộn 1 ½ cốc nước với 2 thìa canh giấm và 20 giọt tinh dầu thơm của hoa quả có múi vào bình xịt. Sau đó, xịt lên ghế sofa - hương thơm của giấm và cam quýt sẽ xua đuổi thú cưng của bạn khỏi nơi không mong muốn.

  • Hút bụi thường xuyên:

Đừng quên hút bụi thường xuyên cho nội thất. Bạn có thể cân nhắc mua hai máy hút: một máy nặng hơn để hút bụi lớn hàng tuần và một máy cầm tay nhỏ hơn để hút bụi nhanh trong suốt cả tuần và để làm sạch đồ đạc tại chỗ. Hút bụi là một phần trong thói quen của bạn sẽ giúp ngôi nhà của bạn luôn trong lành và sạch sẽ!

Bạn cũng nên thường xuyên chải lông và tắm cho thú cưng của mình - nó sẽ loại bỏ hết lông rụng trước khi lông dính lại trên sàn nhà hoặc đồ đạc của bạn.

4. Tạo không gian riêng cho thú cưng:

Nếu bạn có nhiều không gian để trống, hãy dành hẳn một phòng cho thú cưng của bạn. Nếu không, hãy tận dụng các yếu tố thiết kế nội thất thông minh để cung cấp cho vật nuôi một khu vực riêng.

7-tao-khong-gian-rieng-cho-thu-cung-1660639178.JPG
Ghế dài ở lối vào như một cái chuồng cho cún, hay tích hợp đảo bếp với giường ngủ cho thú cưng đều là những ý tưởng hay ho mà bạn có thể sử dụng để làm trạm thú cưng. Pic Sources: styledegree.sg & rennovation.sg

Ngoài ra, bạn có thể bố trí một trạm thú cưng trong phòng giặt là, phòng tắm hoặc gần cửa nơi bạn thường đưa thú cưng ra ngoài nhất. Trạm thú cưng có thể dưới dạng tủ lưu trữ dành riêng cho đồ ăn, sản phẩm vệ sinh chuồng, bàn chải, đồ chơi và các vật dụng khác của thú cưng mà bạn có thể tìm kiếm ngay khi cần thiết.

Nếu có không gian, bạn có thể thêm bồn tắm rửa trên cao cho chó (ở trên cao vì dễ đặt thú cưng nằm ngửa hơn), hoặc một bồn rửa lớn có tay cầm phun để rửa sạch nhanh các vết bùn hoặc để tắm. Nếu bạn không có đủ không gian cho một trạm rửa vật nuôi riêng biệt, hãy đảm bảo phòng tắm của bạn được trang bị đầu vòi hoa sen có thể tháo rời để có một buổi tắm dễ dàng hơn với vật nuôi.

8-khong-gian-tam-cho-thu-cung-1660639315.jpg
Nên tạo một khu vực tắm ở cao cho chó hoặc là trang bị một vòi sen có thể tháo rời để chuẩn bị sẵn sàng cho công cuộc tắm táp những người bạn này. Pic sources: DIY to make & Decorilla

Nếu bạn cần đặt thùng rác ở khu vực này, hãy cân nhắc việc lắp thêm quạt thông gió để khử mùi hôi.

5. Cửa sổ lớn:

Thiết kế ngôi nhà của bạn với ít nhất một cửa sổ lớn để thú cưng của bạn có thể ngồi trong hoặc dưới để nhìn ra bên ngoài cửa sổ, vốn là khoảng thời gian yêu thích của cả mèo và chó. Vì vậy hãy cho chúng một nơi để chúng có thể tận hưởng không gian ngoài trời từ bên trong.

9-cua-so-lon-cho-meo-va-cho-1660639480.jpg
Cửa sổ lớn không chỉ là chốn thư giãn và tận hưởng cảnh quan của chủ nhân ngôi nhà mà còn là của các chú cún cưng hay mèo yêu của bạn. Pic Sources: Windy City Paws & Brickunderground

6. Khu vực cho ăn

Giống như cách chúng ta có khu vực ăn uống cho bữa ăn hàng ngày, sẽ thật tốt nếu vật nuôi cũng có không gian cố định tương tự như thế. Đó có thể là một góc nhỏ trong bếp hoặc chỗ riêng của chúng bên cạnh bàn ăn hay tốt hơn là mái hiên nhỏ, khoảng sân hoặc khu vực biệt lập chỉ dành riêng cho chúng. Tất nhiên, đây không phải là vấn đề quá lớn lao hay nhất mực cần thiết nhưng bằng cách này, bạn sẽ có thể hạn chế việc đối mặt với việc thức ăn cho thú cưng bị vương vãi khắp nhà.

Những ngóc ngách nhỏ có khu vực ít người qua lại là nơi lý tưởng để làm khu vực cho thú cưng ăn vì nó giúp bạn hoặc gia đình không vấp phải bát thức ăn và nước uống. Tuy nhiên, nếu bạn eo hẹp về không gian và nhà bếp là con đường duy nhất để đi, hãy xem xét việc trang bị một trạm cho ăn được tích hợp sẵn. Bạn có thể có một ngăn kéo kéo ra để đựng thức ăn và đồ uống của thú cưng, hoặc kết hợp một ngóc cho ăn ở cuối đảo / bán đảo bếp của bạn. Đừng quên thêm một tấm lót hoặc thảm cao su bên dưới những chiếc bát này để dọn dẹp dễ dàng hơn!

10-khu-vuc-an-uong-cho-thu-cung-1660639678.jpg
Một số ý tưởng thú vị cho trạm thức ăn của thú cưng tại nhà. Pic sources: Styledegree, Etsy, Martha Stewart, Houzz

7. Đủ chỗ cho thú cưng của bạn chạy xung quanh

Không gian là thứ mà mọi người đều cần, đối với những con vật cưng của bạn luôn ở nhà thì thậm chí chúng còn cần hơn thế nữa. Vật nuôi thường có rất nhiều năng lượng nên vì vậy mà nhà bạn nên có đủ không gian để chúng chạy xung quanh và chơi đùa. Do đó, hãy đảm bảo bố cục tổng thể của ngôi nhà của bạn phù hợp với các hoạt động thể chất của thú cưng.

💡 Tips:

Mặc dù chó có thể hài lòng với bất kỳ góc ấm cúng nào trong nhà, mèo thường thích có chỗ cao hơn để chúng có thể theo dõi mọi thứ. Mặt khác, chó cần không gian để tự do chạy nhảy xung quanh. Trong trường hợp này, có đồ nội thất có thể thu vào hoặc đồ đạc trên tường sẽ rất hữu ích - ví dụ: chọn đèn treo tường thay vì đèn sàn. Những chú chó của bạn không chỉ có thêm không gian để chạy mà còn giúp chúng không làm đổ bất kỳ đồ đạc nào.

11-khong-gian-vui-choi-cho-cho-1660639778.jpg
Tạo không gian rộng rãi và thoáng, ít vật cản dưới chân giúp các bạn cún có thể di chuyển dễ dàng hơn. Pic sources: Trendir & SquareRooms
12-khong-gian-vui-choi-cho-meo-1660639803.jpg
Với mèo, bạn có thể sử dụng một vài chiếc thang, đường dốc và trụ cào để hạn chế việc cào vào bất cứ thứ gì trong nhà của chúng. Pic Sources: Lazada & StyleDegree

Đối với những vật nuôi khó nhảy khi chúng già đi, bạn sẽ muốn đầu tư vào các giải pháp giúp việc nhảy trên ghế sofa và giường dễ dàng hơn một chút. (Nếu bạn cho phép vật nuôi của mình ở trên đồ nội thất.) Bạn  có thể sử dụng cầu thang cho vật nuôi nhưng giải pháp này sẽ hơi chiếm dụng không gian của nhà bạn. Thay vào đó, hãy cân nhắc đặt thêm một chiếc ghế dài bên cạnh ghế sofa hoặc giường của bạn, chúng có bề mặt thấp hơn để nhảy lên. Thảm cũng có thể cung cấp cho những con chó lớn tuổi lực kéo mà chúng cần để thực hiện bước nhảy vọt (đồng thời giúp bảo vệ sàn gỗ cứng không bị trầy xước).

8. Thêm nắp cửa cho thú cưng để dễ dàng di chuyển

Cửa phòng ngủ đóng kín hạn chế sự di chuyển của thú cưng. Do đó, bạn có thể cho phép thú cưng tự do đi lang thang xung quanh bằng cách lắp các cánh cửa cho vật nuôi và đồng thời, hạn chế các vết cào xước của chúng trên cửa nhà.  

13-them-nap-cua-cho-thu-cung-1660639838.jpg
Một số kiểu nắp cửa thường thấy cho thú cưng. Pic Source: Amazon.

💡 Tips:

Bạn có thể sử dụng Cửa thông minh cho chó mèo giúp cho phép vật nuôi đeo SmartKey đi qua cửa. Khi thú cưng của bạn đi vào phạm vi của Cửa thông minh, nó sẽ phát hiện SmartKey và tự động mở khóa. Sau khi thú cưng của bạn đi qua Cửa thông minh, cửa sẽ tự động khóa giúp ngăn sự xâm nhập của một số con vật không mong muốn. 

9. Cài đặt Cổng & Lưới sắt chặn Vật nuôi

Ngược lại với nắp cửa, cổng vật nuôi rất cần thiết để ngăn thú cưng khỏi một số khu vực trong nhà của bạn - ví dụ: phòng của em bé hoặc nhà bếp khi bạn đang nấu ăn. Thay vì mua một chiếc cổng dành cho thú cưng có sẵn, bạn có thể yêu cầu nhà thiết kế nội thất hoặc nhà thầu thiết kế riêng một chiếc cổng phù hợp nhất với mình để kết hợp hoàn hảo với phần trang trí nhà.

Đối với vật nuôi thích ngồi bên cửa sổ, đừng quên có các biện pháp dành cho chúng như lắp lưới cửa sổ cho mèo/ chó.

14-them-luoi-va-cong-chan-vat-nuoi-1660639909.JPG

Một số biện pháp khác bạn có thể áp dụng để bảo đảm an toàn cho thú cưng:

  • Sử dụng hệ thống dây điện được giấu kín.
  • Đặt chốt trên cửa tủ / ngăn kéo và thùng rác.

10. “Bảo vệ cây trồng trong nhà” :

Để cây xa tầm với của thú cưng bằng cách treo chúng lên trần nhà hoặc đặt chúng trên giá đỡ. Bằng cách này, vật nuôi của bạn sẽ không thể phá hoại cây trồng hoặc vô tình làm vỡ bình hoa chỉ bằng cách quẹt đuôi của chúng. Ngoài ra, hãy cân nhắc đặt vỏ cam hoặc chanh vào bình vì thú cưng không thích mùi hăng mà cam quýt tỏa ra.

Khi chọn cây trồng trong nhà, đừng quên tìm hiểu trước một số cây trồng có hại/ không có hại đối với vật nuôi để đảm bảo an toàn cho chúng nhé.

15-lua-chon-hoa-cho-nha-co-thu-cung-1660639917.jpg

Kết luận: Khi thiết kế nhà, sở thích và nhu cầu cá nhân của gia chủ luôn là ưu tiên hàng đầu và thực tế ở Việt Nam cũng như một số quốc gia khác, việc xây dựng một ngôi nhà thân thiện với thú cưng hẳn cũng còn là một khái niệm tương đối xa lạ. Tuy vậy, với sự hiện hữu và mức độ thân thiết đối với những "người bạn bốn chân" ngày càng tăng cao, việc xem xét thiết kế một ngôi nhà vừa an toàn, lại vừa tiện lợi và phù hợp cho sinh hoạt của cả người và vật nuôi ngày dần được quan tâm hơn. Hi vọng, với những chia sẻ ở bài viết này, bạn đã nắm được một số các điểm chính cần biết khi thiết kế một không gian sống hài hòa với vật nuôi. Nếu bạn muốn tìm cho mình các nhà thầu để phục vụ mong muốn này, hoặc có bất kì thắc mắc gì cần được tư vấn trong quá trình thiết kế và xây dựng nhà ở, đừng ngần ngại liên hệ để được tư vấn miễn phí từ chuyên gia Xây Tổ Ấm. 

logo-xaytoam-01-1656641352.png

 

 

 

 

Reference: animalwellnessmagazine.com, lookboxliving.com.sg, rennovation.sg, styledegree.sg

Feature Pic: The Dogington Post

Ava Pic: Pinterest