Kiến thức chung
Trần Trung Nghĩa - chuyên gia MVC
05/10/2023
217 lượt xem
Những chú ý cần kiểm tra trước khi bàn giao nhà mới

Ngày bàn giao nhà, dù cải tạo hay xây mới, đều là thời điểm mà bất kì chủ nhà nào cũng đều háo hức mong chờ. Tuy nhiên, đừng để sự nôn nóng nhận nhà khiến bạn bỏ qua các bước kiểm tra cần thiết cuối cùng. Hãy đảm bảo rằng, trước khi bạn dọn đến và bắt đầu sinh hoạt tại tổ ẩm mới, căn nhà/ căn hộ đã được hoàn thiện và bàn giao một cách cẩn thận, các sai sót đã được phát hiện và chỉnh sửa kịp thời. Vậy, làm thế nào để chủ nhà có thể tự mình kiểm tra được trước khi bàn giao nhà mới? Cùng chuyên gia của Xây Tổ Ấm điểm qua một số lưu ý cực kì quan trọng qua bài viết này nhé!

Dưới đây là những kinh nghiệm cực kì hữu ích cho chủ nhà trong việc kiểm tra trước khi nhận bàn giao nhà mới, đặc biệt cho những ai vẫn còn đang bỡ ngỡ không biết cần phải kiểm tra những gì, đánh giá thế nào:  

1.    Điện nước

A.   Điện

Kiểm tra và đảm bảo đúng thiết kế, công năng:

  • Thử các ổ cắm bằng sạc điện thoại hoặc thiết bị cắm dây. Cắt Aptomat từng lộ điện và kiểm tra các ổ cắm có đi đúng lộ thiết kế hay không.
  • Bật tắt đèn xem đèn có đi đúng lộ đèn thiết kế hay không.
  • Kiểm tra tủ điện tổng Aptomat có đúng như thiết kế hay không?
  • Kiểm tra dây điện bếp vì dây này quan trọng, cần dây to từ 4-6mm để đảm bảo công suất của bếp, tránh quá tải và gây nóng, cháy dây.
Dây điện bếp từ 3 sợi giúp đảm bảo công suất của bếp.
Một số lỗi thường gặp về điện khi chuyên gia của Xây Tổ Ấm đến kiểm tra, đánh giá công trình thực tế như sơn,
bột bả thừa quanh ổ điện hay vị trí ổ cắm không phù hợp…

Kiểm tra độ an toàn:

  • Cần kiểm tra bình nóng lạnh đã có đấu nối dây tiếp địa chống giật chưa. Đây là yếu tố rất quan trọng ảnh hưởng đến an toàn sử dụng điện trong gia đình mà chủ nhà thường bỏ sót.
  • Kiểm tra tủ điện tổng có Aptomat chống giật chưa, nên có Aptomat riêng cho điều hòa, bếp, bình nóng lạnh. Ngoài ra, nên tách riêng Aptomat cho tủ lạnh để khi đi du lịch cả tuần, chủ nhà có thể cắt hết Aptomat trong nhà và chỉ để tủ lạnh cho an toàn.
Aptomat chống giật riêng cho bình nóng lạnh rất cần thiết tại nơi có môi trường luôn ẩm ướt như nhà tắm. Nguồn ảnh: tipsmake.com
Aptomat điện đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc đảm bảo an toàn điện cho gia đình.
  • Ổ cắm điện nên có màng che tránh việc trẻ nhỏ thò tay hay đưa vật nhỏ vào bị giật điện.
Ổ cắm điện có và không có màng che. 
  • Một số ổ cắm ngoài trời, lô gia, nhà vệ sinh nên có nắp chống nước, nước mưa hắt vào.
Ổ cắm điện có nắp che nước tại các khu vực dễ bị hắt nước là một trong những yếu tố “phải có”
khi kiểm tra hoàn thiện nhưng lại thường bị chủ nhà bỏ qua.

B.    Nước

Kiểm tra chức năng hoạt động (đóng-mở, độ mạnh-yếu,…)

  • Thử đóng mở tất cả các van nước xem có hoạt động bình thường hay không. Thực tế, sau khi dọn vào sử dụng, một số chủ nhà gặp phải tình trạng bị nghẽn không đóng được van nước.
    Đối với trường hợp của căn hộ chung cư, các chủ nhà sẽ gặp phải tình huống bất tiện hơn do khi muốn đóng mở van nước thì cần bắc thang lên trần. Tuy vậy, chủ nhà vẫn không nên bỏ qua thao tác này để đảm bảo tránh được các rủi ro phát sinh khi có sự cố về nước mà không khóa được van.

  • Mở tất cả vòi nước xem độ mạnh yếu, chú ý kiểm tra vòi xịt trong nhà vệ sinh có quá mạnh hay quá yếu hay không.
Kiểm tra chức năng hoạt động vòi nước, chậu rửa bát và các thiết bị vệ sinh là một trong những biện pháp kiểm tra
phổ biến nhất khi nhận bàn giao nhà mới.

Kiểm tra thoát nước

  • Thử thoát nước chậu rửa bát, lavabo, sàn nhà vệ sinh, sàn ban công, lô gia xem có thoát nhanh không. Nếu thoát chậm có thể do đường thoát nước bị hẹp / tắc. Đối với các trường hợp này, sau khi dọn vào sinh hoạt sẽ dễ phát sinh tình trạng tắc, không thoát nước kịp khiến nước tràn vào sàn nhà.

  • Thử thoát nước xem độ dốc sàn nhà vệ sinh, ban công, sân thượng, lô gia có đủ dốc không, có bị đọng nước chỗ nào không ...
Trường hợp đọng nước trong Nhà vệ sinh rất dễ xảy ra, cần được kiểm tra trước khi bàn giao nhà và dọn vào sinh hoạt.
  • Kiểm tra chậu bếp, chậu lavabo có thiết kế, đấu nối đường nước tràn hay không, trường hợp để quên vòi nước có bị tràn ra nhà không.
Chú ý kiểm tra xem chậu đã đấu nối đường thoát tràn chậu chưa, tránh trường hợp nước tràn ra sàn nhà khi quên không tắt vòi nước.

👉 Phương pháp kiểm tra: thử xả-thoát, thử tràn chậu rửa bát, chậu lavabo, sàn nhà vệ sinh, sàn lô gia.

Lỗ thoát tràn của chậu bếp tạo điều kiện cho nước thoát vào các lỗ/ rãnh và không tràn ra sàn nhà gây hư hỏng, trượt té hay chập điện. Nguồn ảnh: Zento 

Kiểm tra chống thấm

  • Phương pháp kiểm tra: bịt đường thoát, ngâm nước sàn nhà vệ sinh, ban công trong 24h xem có bị ẩm, ngấm chỗ nào không.

2.    Trần, tường, sàn, thang bộ

 Kiểm tra vết nứt trần

  • Hiện nay, đa phần các công trình nhà phố thường sử dụng trần thạch cao. Vì vậy, các vết nứt rất phổ biến và có thể tự kiểm tra được bằng mắt thường.

Kiểm tra độ phẳng mặt tường:

  • Nên kiểm tra vào buổi tối, bật hết đèn lên để nhận ra khu vực không bằng phẳng, bề mặt xấu. Bằng cách này, chủ nhà dùng mắt thường cũng có thể thấy được các chỗ sơn lem nhem nếu có.
  • Chủ nhà cần chú ý các viền ổ điện, viền đèn downlight, thiết bị, cổ trần vì đây là những nơi hay bị dính sơn thừa, cần vệ sinh, sơn lại ...

Kiểm tra độ kín phủ sơn bề mặt tường, trần

Tường, trần, góc tiếp giáp sàn nên được kiểm tra vào cả ban ngày (ánh sáng tự nhiên) và ban tối (ánh sáng từ đèn chiếu, đèn hắt)
để đảm bảo đã được hoàn thiện cẩn thận cả về độ phủ lẫn độ phẳng.
  • Kiểm tra vào ban ngày bề mặt sơn tường, trần xem độ phủ đã kín chưa, có đều màu không, có bị loang hay không. Nếu trong quá trình thi công, nhà thầu bỏ qua bước sơn lót hay sơn thiếu lớp, sơn pha nhiều nước thì bề mặt sẽ không đồng màu, độ phủ chưa kín. Chủ nhà cần đặc biệt chú ý các khu vực loang sơn vì ở đó có thể đang bị thấm nước.

Kiểm tra các khu vực ốp lát gạch, đá (mạch, bề mặt, độ chắc chắc, …)

Chất lượng hoàn thiện công trình thể hiện rất rõ qua các phần ốp gạch, đá.
  • Kiểm tra mạch có đều không, có đầy vữa không, vữa có sâu và đủ không bằng cách ấn móng tay, nếu thụt mạch thì cần bổ sung lại.
  • Nên chú ý quan sát vị trí góc giao 4 viên gạch do vị trí này thường hay bị kênh.
  • Về chất lượng ốp lát, chủ nhà có thể kiểm tra bằng cách gõ lên bề mặt gạch xem có ộp rỗng bên trong không, tránh trường hợp bị bong sau này.
  • Kiểm tra bề mặt sàn có bị xước không, có vệ sinh sạch các vết vữa dư thừa chưa.
  • Nếu sử dụng sàn gỗ, cần kiểm tra bằng cách đi lại lên tất cả các vị trí xem sàn có bị phồng rộp không, có tiếng kêu ken két không.
  • Kiểm tra phào chân tường có được đóng chắc chắn chưa, đặc biệt là các vị trí cua gấp, các góc khuất.
  • Kiểm tra các vết nối, đầu đinh phào chân tường có bị kênh, lồi hay xấu không.
  • Kiểm tra nẹp sàn, đặc biệt các khu vực chân cửa.

Kiểm tra thang bộ (phong thủy, độ an toàn, đúng thiết kế,…)

Đối với nhà phố, kiểm tra thang bộ là một trong những yếu tố cần thiết để đảm bảo tính an toàn và cả phong thủy
cho sinh hoạt hàng ngày của gia chủ.
  • Kiểm tra số bậc thang. Đây được xem là một yếu tố khá quan trọng đối với các chủ nhà quan tâm đến phong thủy.
  • Kiểm tra lan can tay vịn có chắc chắn hay bị rung lắc không; lan can kính có đủ ốc không, ốc đã được bắt chắc chắn chưa hay còn lỏng ?
  • Kiểm tra độ cao bậc thang và độ rộng mặt bậc, rộng thang có đúng thiết kế chưa.

Kiểm tra lan can lô gia, ban công (độ chắc chắn, an toàn…)

Lan can lô gia, ban công vừa giúp tạo sự thông thoáng cho ngôi nhà, căn hộ nhưng rất cần sự kiểm tra kỹ lưỡng
của chủ nhà để đảm bảo tính an toàn, đặc biệt là những ngôi nhà trên cao và/ hoặc có trẻ nhỏ.
  • Kiểm tra bằng cách rung lắc xem có chắc chắn không và độ cao đã đảm bảo an toàn hay chưa.

3.    Thiết bị, cửa, cửa sổ, thang máy.

A.    Thiết bị:

Kiểm tra hoạt động của thiết bị

Các thiết bị được lắp đặt trước đều cần được chạy thử qua trước khi chủ nhà dọn vào.
  • Chạy thử tất cả bình nóng lạnh, điều hòa, quạt, máy hút mùi, thiết bị vệ sinh xem có vấn đề gì không.
  • Chú ý kiểm tra kĩ quạt hút mùi âm trần nhà vệ sinh xem có chạy không, mở nắp thăm trần nhà vệ sinh xem quạt có đấu nối với trục thoát mùi theo thiết kế chưa.
    Tương tự, kiểm tra hút mùi bếp, mở xem thoát nước bếp có đấu nối kín và chắc chắn chưa ...
  • Bật điều hòa và thử độ mát, đồng thời để điều hòa chạy thử 1 lúc lâu để kiểm tra máy có bị tình trạng chảy nước hay không. (Trong một số trường hợp, điều hòa khi chạy lâu bị trào nước ngưng do tắc ống thoát nước ngưng hoặc độ dốc không đảm bảo…. )
  • Nếu có đầu báo cháy, đèn khẩn cấp, cần thử xem chúng có hoạt động tốt không. Nếu chủ nhà ở chung cư, cần kiểm tra đầu báo cháy chung cư đèn có chớp không; nếu đèn không chớp cần kiểm tra lại vì đang không hoạt động.

Kiểm tra an ninh, bảo mật đối với các thiết bị điện tử

  • Nếu chủ nhà dùng thử khóa từ, thẻ từ thì cần thực hiện các thao tác đổi mã.
  • Ngoài ra, chủ nhà cũng cần đổi mật khẩu wifi, camera.

B.    Cửa, cửa sổ:

Kiểm tra cẩn thận cửa, cửa sổ giúp bảo vệ gia đình khỏi các tác nhân thời tiết, môi trường xung quanh.

Kiểm tra hoạt động, độ an toàn

  • Đóng mở cửa, cửa sổ vài lần xem có êm và kín các khe cửa không.
  • Đóng cửa và kiểm tra mặt cửa phải phẳng với mặt khuôn, khe cửa đều và không quá to.
  • Mở cửa và đảm bảo cửa phải đứng yên, không bị trôi.
  • Kiểm tra xem tay nắm có đập vào tường khi mở hết cỡ không, tốt nhất là cần có chặn cửa.
  • Kiểm tra độ trơn tru của cửa, đảm bảo cửa không bị kẹt, không có tiếng kêu lạ, cánh không va đập mạnh.
  • Một số cửa sổ có lỗ thoát nước cũng nên kiểm tra lại.

Kiểm tra chìa khóa (đúng, có hoạt động…)

  • Thử tất cả các chìa khóa, núm vặn xem có hoạt động bình thường không, có nhầm chìa hay không.

Kiểm tra bản lề cửa

  • Đảm bảo các bản lề cần đủ vít, đầu vít không bị toét.

Kiểm tra phần kính cửa sổ

  • Kiểm tra và đảm bảo không có vết nứt dù là rất nhỏ.
  • Các đường silicone cần phải đều, kín.

C.    Thang máy:

Kiểm tra hoạt động

  • Bấm thử tất cả các tầng xem có dừng đúng tầng không.
  • Lắng nghe xem có tiếng động lạ khi lên xuống, đóng mở cửa không.
  • Kiểm tra hoạt động của quạt thông gió, đèn trong thang nếu có.
  • Kiểm tra tem kiểm định.
  • Kiểm tra xem có vết xước nào ở bề mặt trần, vách, sàn, tay vịn, bảng điều khiển ... hay không.
Thang máy tại nhà giúp việc di chuyển trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Tuy vậy, trước khi đưa vào sử dụng,
chủ nhà nên kiểm tra chắc chắn về hoạt động và độ an toàn của thiết bị.

Kiểm tra độ an toàn

  • Kiểm tra khi dừng, sàn thang máy và tầng có trùng khớp và không bị kênh không.
  • Kiểm tra độ khít của cửa thang máy khi đóng, mở.
  • Thử chặn cửa xem có mở ra nhẹ nhàng không.
  • Kiểm tra sàn thang máy có phẳng với sàn hành lang hay không. Có thể kiểm tra bằng cách bước bàn chân 1 nửa trong sàn thang, 1 nửa ra sàn ngoài.

4.    Đồ nội thất

Ngoài việc kiểm tra vật liệu đầu vào, kỹ thuật lắp đặt trong lúc đang thi công, sau khi hoàn thiện, chủ nhà còn cần kiểm tra sự vận hành, tính hoàn thiện & đồng bộ của nội thất.

  • Kiểm tra bằng mắt thường các bề mặt, góc cạnh đồ có bị xước, vỡ nứt hay không.
Các điểm trừ, thiếu hoàn thiện của nội thất cần được nhà thầu/ nhà cung cấp chỉnh sửa lại thường thấy là:
các góc cạnh, viền không thẳng, đường cắt không tốt, còn vết đầu đinh trên bề mặt hoàn thiện.
  • Xem các khe hở giữa đồ và tường, trần có quá to và dẫn đến dễ đọng bụi hay không; nếu cần thiết thì chủ nhà có thể yêu cầu bơm keo kín.
  • Kiểm tra các ngăn kéo, cánh cửa đóng mở trơn tru, nhẹ nhàng, không va đập phát ra tiếng ồn.
  • Đảm bảo tất cả các bản lề đủ vít, vít không bị toét đầu.
Kệ tủ bị thiếu vít ở bản lề. Nếu không phát hiện kịp thời, bản lề sẽ rất dễ bị bong qua trong quá trình sử dụng.
  • Đảm bảo phụ kiện đúng chủng loại, thương hiệu, căn chỉnh chuẩn.

💡 Một số lưu ý:

Thùng tủ bếp khoang chậu rửa, tủ lavabo nhà vệ sinh nên dùng gỗ nhựa chịu nước, tránh tình trạng bị phồng nở khi dùng lâu ngày. Ngoài ra, khu vực này hay có hơi ẩm, nước nên phụ kiện nên dùng inox 304 chống rỉ.

Một trong những điểm chủ nhà thường bỏ qua khi kiểm tra thiết bị là vật liệu có phù hợp với công năng của phòng không. Sử dụng không đúng vật liệu cho các thiết bị nhà tắm như hình trên (không dùng gỗ nhựa chịu nước) làm giảm tuổi thọ của sản phẩm.

5.    Tài liệu bàn giao

  • Bản vẽ hoàn công là 1 phần không thể thiếu. Do đó, chủ nhà cần kiểm tra đối chiếu các hạng mục có thể thấy bằng mắt thường, các lộ điện.
  • Ở bản vẽ hoàn công, nên ghi lại các mã vật liệu thực tế đã dùng như mã sơn tường, mã gạch ốp lát, mã gỗ đã dùng để dễ dàng sửa chữa, thay thế sau này.
  • Giữ lại giấy tờ mua bán, bảo hành thiết bị, vật tư cần thiết.

6.    Vệ sinh

Kiểm tra các góc khuất

  • Chú ý kiểm tra các góc khuất không trực tiếp nhìn thấy, ví dụ như khe trần giật cấp. Đây là nơi rất hay bị đọng bụi trong quá trình thi công; do đó, nếu không kiểm tra kĩ, sau này khi bật điều hòa, bụi sẽ bay ra hàng ngày, ảnh hưởng đến vệ sinh, thẩm mỹ và cả sức khỏe của các thành viên trong gia đình.
Bụi thi công rất dễ đóng ở các khu vực như trần thạch cao giật cấp, gây ảnh hưởng đến vệ sinh và sức khỏe của gia chủ khi dọn vào ở.
  • Một số vị trí khác cũng cần kiểm tra có thể kể đến như: các khe nhỏ, gầm tủ, gầm giường….


Kiểm tra ống thoát nước

  • Kiểm tra ống thoát nước để đảm bảo các trạc thải còn đọng lại sau quá trình thi công đã được bỏ đi, tránh tắc ống sau này.


Kết luận:

Đa số chủ nhà thường bỏ qua bước kiểm tra hay không biết và không kiểm tra đầy đủ các yêu cầu cần thiết trước khi bàn giao nhà. Từ đó, dễ dẫn đến các tình huống bất lợi sau khi dọn vào ở và sinh hoạt, vừa bất tiện lại vừa tốn công sức, thời gian. Vì thế, với bài viết này, Xây Tổ Ấm hi vọng có thể phần nào giúp được chủ nhà có cái nhìn chi tiết hơn về toàn bộ quá trình, cũng như có được các cơ sở rõ ràng hơn để thực hiện kiểm tra nhà trước khi nhận bàn giao.   

Xây Tổ Ấm luôn sẵn sàng hỗ trợ và đồng hành cùng chủ nhà trong suốt quá trình xây dựng nhà cửa, từ tìm kiếm và lựa chọn nhà thầu, xem xét và đánh giá hợp đồng đến định kỳ kiểm tra công trình trong những khâu quan trọng, giúp giảm tối đa rủi ro, thời gian và chi phí cho chủ nhà.

Hãy liên hệ với Xây Tổ Ấm để được tư vấn miễn phí tận nhà ngay hôm nay.

Tác giả bài viết:

VỀ NỀN TẢNG XÂY TỔ ẤM CỦA MVC & CO

xaytoam.vn là nền tảng thông tin đồng hành cùng Chủ nhà trong quá trình lựa chọn Nhà thầu phù hợp xây nên ngôi nhà mơ ước. Xây Tổ Ấm là sản phẩm cốt lõi của Công ty TNHH MVC & CO - doanh nghiệp có vốn đầu tư từ tập đoàn Mitsui Nhật Bản, được ra đời từ sự thấu hiểu với những trăn trở, băn khoăn của gia chủ khi lựa chọn Nhà thầu uy tín.

Dịch vụ Xây Tổ Ấm cung cấp cho Chủ nhà bao gồm: 

  • Đề xuất 03 nhà thầu phù hợp kèm báo giá sơ bộ 
  • Lọc và lựa chọn đối tác yêu thích nhờ trực quan về các đánh giá, các đối tác, nhà thầu thiết kế, thi công
  • Lấy cảm hứng cho ngôi nhà trong mơ từ các công trình thực tế của đối tác
  • Dữ liệu đánh giá nhà thầu và công trình khách quan, thường xuyên cập nhật
  • Tiếp cận tư vấn từ chuyên gia nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng của Xây Tổ Ấm dễ dàng, thuận tiện  
  • Tư vấn miễn phí từ chuyên gia phong cách chuẩn Nhật, hỗ trợ làm rõ nhu cầu và kiểm tra tiến độ xây dựng

Xây Tổ Ấm - GIẢI PHÁP LỰA CHỌN NHÀ THẦU LÝ TƯỞNG

  • Email: info@xaytoam.vn
  • Hotline: 024 7309 6896
  • Số điện thoại: (+84) 901 755 572
  • Địa chỉ: P903B, tòa Sun Red River, 23 Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội