Kiến thức chung
Đang cập nhật
28/09/2022
168 lượt xem
Tổng hợp A - Z kinh nghiệm xây nhà lần đầu cho gia chủ

Xây nhà là một trong những quyết định quan trọng, do đó nhiều người sẽ không khỏi lúng túng khi đưa ra quyết định và có thể gặp những rắc rối, thiếu sót trong suốt quá trình xây nhà. Điều này sẽ khiến cho ngôi nhà không được đúng theo mong ước của gia chủ. Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn những kinh nghiệm xây nhà quan trọng, giúp bạn tránh được những lỗi thường gặp và mang đến một không gian sống lý tưởng, hoàn hảo nhất. 

kinh nghiệm xây nhà

Các hình thức xây nhà phổ biến

Hiện nay, với sự phát triển của các loại hình dịch vụ cùng các thiết bị máy móc hiện đại, tiên tiến trong xây dựng, các hình thức xây nhà dần trở nên phổ biến và đa dạng hơn. Điều này giúp mở ra nhiều lựa chọn phù hợp với mức kinh phí, yêu cầu và các mong muốn của gia chủ. Các hình thức này bao gồm:

Khoán vật tư, xây nhà trọn gói

Với hình thức khoán vật tư hay xây nhà trọn gói, gia chủ sẽ không phải bận tâm nhiều về các chất liệu được sử dụng để xây nhà bởi đây là hình thức xây dựng mà trong đó, nhà thầu sẽ lo liệu từ A đến Z từ chọn lựa vật tư đến xây dựng và hoàn thiện ngôi nhà. Gia chủ chỉ cần đưa ra những yêu cầu và mong muốn của mình trong hợp đồng thỏa thuận ban đầu. Sau đó nhà thầu sẽ thực hiện theo đúng theo những thỏa thuận đã được thống nhất. Điều này sẽ giúp gia chủ tiết kiệm thời gian và công sức trong việc tìm hiểu và lựa chọn chất liệu, vật tư.

Tuy nhiên, ngôi nhà sau khi hoàn tất có thể không hoàn toàn thỏa mãn tất cả những mong muốn của chủ nhà và khó tránh những trường hợp nhà thầu ăn bớt vật tư hay tự ý thay đổi bằng các vật liệu kém chất lượng, giá thành rẻ hơn. Do đó, hình thức khoán vật tư chỉ nên áp dụng khi nhà thầu là một công ty uy tín, có các điều khoản và cam kết được quy định rõ ràng trong hợp đồng xây dựng. 

khoán vật tư

Khoán phần thô và nhân công

Khoán phần thô và nhân công là hình thức xây dựng mà chủ nhà sẽ tự chọn vật tư hoàn thiện theo sở thích và các yêu cầu của mình về chất liệu, hình dáng, màu sắc,...nhằm tạo ra một không gian sống đúng với nguyện vọng của bản thân. 

Một nhược điểm lớn của hình thức này là gia chủ sẽ phải mất khá nhiều thời gian,  công sức để tìm hiểu các đặc tính, ưu nhược điểm của từng loại chất liệu, vật tư và tìm nguồn cung ứng phù hợp. Điều này có thể ảnh hưởng đến tiến độ của công trình, khiến thời gian hoàn thiện ngôi nhà kéo dài hơn dự tính. 

Khoán nhân công

Khoán nhân công là hình thức xây nhà tiết kiệm chi phí nhất nhưng lại tiêu tốn nhiều thời gian và công sức của gia chủ nhất mà giá trị mang lại có thể có hiệu quả không cao, không đúng như mong muốn. Ở hình thức này, gia chủ sẽ phải chủ động từ việc tìm kiếm, lựa chọn nguồn cung cấp vật tư đến quản lý, giám sát tiến độ thi công. Do đó, gia chủ phải là người thật sự am hiểu về xây dựng và có nhiều kinh nghiệm trong việc quản lý chi phí, vật tư dư thừa, vật tư phát sinh,... cách chỉ đạo và các yêu cầu, quy tắc trong thi công. 

 

Kinh nghiệm xây nhà lần đầu bạn cần biết

Dưới đây là một số kinh nghiệm xây nhà bạn nên biết để quá trình xây nhà diễn ra thuận lợi, đúng theo kế hoạch và ngôi nhà hoàn thiện đúng với mong muốn của bản thân.

1. Lập kế hoạch thi công và thiết kế

Khi có quyết định xây nhà, bạn nên tìm hiểu rõ về các quy trình và lập một kế hoạch thi công, thiết kế chi tiết. Với bản kế hoạch này, mỗi không gian phong và cách bố trí nội thất trong phòng sẽ được xây dựng dựa trên mục đích sử dụng rõ ràng, bám sát nhu cầu sử dụng hằng ngày của mọi thành viên trong gia đình. Bên cạnh đó, khi đã có kế hoạch cụ thể, bạn có thể dễ dàng quản lý ngân sách xây dựng và hạn chế tối đa các chi phí phát sinh. 

lập kế hoạch xây dựng

2. Dự trù kinh phí

Một trong những vấn đề quan trọng trước khi xây nhà là dự trù kinh phí. Sau khi có kế hoạch xây nhà, bạn cần tính toán các mức chi phí có thể xảy ra. Các mức chi phí này bao gồm: tiền nhân công, tiền vật liệu xây dựng, tiền mua nội thất,... và một số khoản tiền phát sinh trong quá trình xây dựng. Việc xác định các mức chi phí xây dựng và có một khoản chi phí dự trù sẽ giúp bạn tránh được các tình trạng thâm hụt, cạn kiệt nguồn ngân sách dẫn đến những quyết định sai lầm trong xây dựng, khiến không nhà không hoàn hảo như dự định. 

3. Khảo sát hiện trạng địa chất

Trước khi tiến hành xây nhà, bạn cần khảo sát hiện trạng địa chất của khu vực xây nhà để đưa ra phương án kết cấu móng phù hợp, giúp ngôi nhà chắc chắn và an toàn hơn. Quá trình khảo sát này thường sẽ có sự tham gia của kiến trúc sư và bên địa chất để đo vẽ một bản vẽ với tỉ lệ 1:200 nhằm:

  • Cung cấp bản vẽ chính xác về hiện trạng của khu đất xây dựng, tránh những sai lệch sau này.
  • Nắm được tình trạng thổ nhưỡng và có phương án xây dựng thích hợp, tránh tình trạng nhà bị sụt lún, nứt,...
  • Xác định các thông số về cao độ nhằm phục vụ cho các tính toán khối lượng đào, đắp đất. 
  • Kiểm tra ranh giới với các khu đất lân cận, khoảng lùi và phần đất được phép xây dựng để tránh những tranh chấp cưỡng chế sau này. 

khảo sát hiện trạng địa chất

4. Xin giấy phép xây dựng

Để được bắt đầu thi công xây dựng nhà ở, gia chủ cần có giấy phép xây dựng được phê duyệt bởi cơ quan có thẩm quyền, thường là Ủy ban nhân dân cấp huyện, quận hoặc cấp tỉnh.

Để xin giấy phép xây dựng, bạn cần chuẩn bị 2 bộ hồ sơ, trong đó, mỗi bộ có:

  • 1 Đơn đề nghị cấp giấy phép xây dựng
  • Giấy chứng minh quyền sử dụng đất (sổ đỏ, sổ hồng)
  • 2 bộ bản thiết kế xây dựng đã được kiểm duyệt về vấn đề phòng cháy chữa cháy kèm theo giấy chứng nhận đã kiểm duyệt và bản vẽ thẩm duyệt về phòng cháy chữa cháy theo quy định của pháp luật và các báo cáo về thẩm tra thiết kế xây dựng (nếu có) gồm: 
    • Sơ đồ vị trí công trình
    • Bản vẽ mặt bằng chung
    • Bản vẽ mặt bằng các tầng
    • Bản vẽ mặt đứng và mặt cắt chung
    • Bản vẽ mặt bằng móng và mặt cắt móng
    • Sơ đồ hệ thống hạ tầng bên ngoài công trình
    • Bản cam kết an toàn đối với các công trình lân cận

5. Tìm kiếm nhà thầu và đơn vị thi công

Để đảm bảo ngôi nhà được xây dựng đúng như kế hoạch, bạn nên lựa chọn nhà thầu và đơn vị thi công chuyên nghiệp, có nhiều kinh nghiệm xây nhà và đọc bản vẽ. Lưu ý, bạn nên có những hợp đồng chi tiết về vấn đề này để đảm bảo các yêu cầu về chất lượng, tiến độ của công trình.

tìm kiếm nhà thầu

Về các vấn đề điện nước, bạn có thể thuê những người thợ chuyên lắp điện, nước và yêu cầu cung cấp bản vẽ điện nước rõ ràng cho ngôi nhà để tránh những vấn đề nguy hiểm như cháy, chập điện, thiếu nước, sai vị trí công tắc, thiếu ổ điện,... gây mất thẩm mỹ và tiện nghi cho ngôi nhà. 

6. Hợp đồng xây dựng

Thông thường, một hợp đồng xây dựng cơ bản sẽ gồm có:

  • Thông tin chi tiết về các bên tham gia ký kết hợp đồng
  • Nội dung và khối lượng công việc cần làm
  • Các yêu cầu về chất lượng, kỹ thuật, tiến độ và thời gian hoàn thành công trình
  • Chi phí hợp đồng xây dựng, số tiền tạm ứng, hình thức thanh toán và điều chỉnh giá hợp đồng xây dựng
  • Quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của các bên trong việc quản lý chất lượng công trình và nghiệm thu các công việc hoàn thành, bảo hành công trình và các yếu tố môi trường, an toàn lao động, phòng chống cháy nổ, điện nước, an ninh công trường, và cách xử lý khi có sai sót
  • Tạm ngừng và chấm dứt hợp đồng từ hai bên
  • Các quy định về thưởng, phạt nếu vi phạm hợp đồng
  • Các giải quyết khi có những rủi ro, tranh chấp hợp đồng xây dựng
  • Cách thức quyết toán thanh lý hợp đồng xây dựng

7. Quá trình thi công

Quá trình thi công nhà sẽ được chia làm 2 giai đoạn:

Xây thô

Xây nhà thô là bước đặt nền móng cho ngôi nhà, bao gồm các hạng mục: 

  • Chuẩn bị mặt bằng thi công
  • Đào móng, đặt móng
  • Đặt bể nước, bể phốt
  • Đổ bê tông cột nhà, sàn nhà, dựng khung nhà
  • Xây, tô trát tường
  • Lợp mái
  • Lắp đặt hệ thống điện, nước

Xây hoàn thiện

Xây nhà phần hoàn thiện được xem như là giai đoạn tô điểm cho ngôi nhà, giúp ngôi nhà trở nên hoàn hảo, tinh tế và tiện nghi hơn với những hạng mục như:

  • Lắp đặt hệ thống cửa
  • Ốp, lát sàn, tường
  • Sơn tường
  • Lắp đặt nội thất cơ bản
  • Bố trí nội thất và vật dụng trang trí
  • Dọn vệ sinh cho ngôi nhà

bày trí nội thất

Xây nhà, đặc biệt là xây nhà lần đầu, gia chủ có thể mắc phải những sai lầm nghiêm trọng trong xây dựng. Tuy nhiên, việc hiểu rõ và nắm được những kinh nghiệm xây nhà được đúc kết bởi các chuyên gia xây dựng uy tín sẽ giúp bạn có thể có những quyết định sáng suốt hơn, quá trình xây nhà cũng có thể diễn ra suôn sẻ hơn, và quan trọng là ngôi nhà sẽ được hoàn thiện đúng như ý muốn của bản thân. 

Qua những chia sẻ trên, Xây Tổ Ấm hy vọng đã cung cấp thêm những kinh nghiệm hữu ích khi xây nhà. Nếu bạn đang có ý định thiết kế hay xây dựng ngôi nhà của mình, Xây Tổ Ấm sẽ giúp bạn tìm đơn vị thi công chuyên nghiệp, uy tín và giúp bạn lựa chọn phong cách thiết kế phù hợp qua những chia sẻ hoàn toàn miễn phí từ các chuyên gia giàu kinh nghiệm.

Để biết thêm thông tin về dịch vụ, bạn hãy liên hệ với chúng tôi qua:

logo-xaytoam-01-1656641352.png